Bạn có chắc muốn đăng xuất không
Mình đến với pickleball không phải từ đầu, mà là sau nhiều năm gắn bó với cầu lông. Cũng giống như nhiều người chơi phong trào khác, mình từng nghĩ: "Cầm vợt đánh cầu thì đánh cái nào chẳng giống nhau?" – Nhưng khi thực sự chơi pickleball, mình mới hiểu: giống chỉ là bề mặt, còn khác biệt thì nằm sâu trong từng cú đánh, từng bước di chuyển và cách xử lý chiến thuật.
Điểm đầu tiên khiến mình cảm thấy “đỡ bỡ ngỡ” khi chuyển sang pickleball là kích thước sân khá tương đồng với sân cầu lông. Cả hai đều dài khoảng 13,4m và rộng hơn 6m. Nhưng cái “bẫy” ở đây chính là khu vực không được vô lê trong pickleball (còn gọi là “kitchen”), cách lưới 2,13m. Là người từng quen áp sát lưới để chụp cầu hay bỏ nhỏ, mình bị “lỗi chân” khá nhiều khi mới tập pickleball.
Cầu lông thiên về cổ tay, với những cú chém, đập, phản tạt được thực hiện ở nhiều góc độ, cả trước mặt, trên đầu lẫn sau lưng. Nhưng sang pickleball, các cú đánh tốt nhất là ở phía trước cơ thể, do paddle không linh hoạt như vợt cầu lông và bóng cũng nảy thấp, di chuyển khác hẳn.
Điều mình phải điều chỉnh đầu tiên là:
Giảm dùng cổ tay, thay vào đó là giữ cổ tay chắc, đánh bằng vai + hông nhiều hơn.
Các cú slice, chém quen thuộc trong cầu lông không hiệu quả trong pickleball, thậm chí dễ bị phản công nếu dùng sai thời điểm.
Trái lại, kỹ thuật “dink” trong pickleball lại gần giống cú bỏ nhỏ – và mình tận dụng được khá tốt lợi thế này.
Nếu cầu lông yêu cầu bạn di chuyển theo kiểu 3D (lên xuống, sang ngang, bật nhảy), thì pickleball mang tính 2D nhiều hơn: di chuyển chủ yếu theo chiều ngang, lên gần lưới và duy trì vị trí phòng thủ. Không có những pha "lao lên cứu cầu" hay "đuổi cầu sang góc sân" như trước, thay vào đó là những bước đệm ngắn, gọn, giữ trọng tâm thấp để xử lý bóng nhanh.
Trong cầu lông đôi, mình từng chứng kiến (và tham gia) những trận mà người chơi giỏi hơn có thể "gánh sân", cho người yếu hơn đứng ôm lưới. Nhưng pickleball không cho phép điều đó xảy ra. Bạn không thể bao cả sân, và nếu đối thủ khai thác vào người chơi yếu, khả năng bị mất điểm là rất cao. Sự phối hợp, chia sân hợp lý là yếu tố then chốt.
Pickleball hiện vẫn dùng luật tính điểm gián tiếp, nghĩa là chỉ bên giao bóng mới được ghi điểm – tương tự luật cầu lông cũ. Điều này giúp người chơi có cảm giác “an toàn” hơn so với luật ăn điểm trực tiếp như cầu lông hiện nay, nơi mỗi pha bóng đều mang theo áp lực.
Trong cầu lông, chiến thuật có thể phức tạp: lên lưới, lui về, kéo giãn, vờn bốn góc… Nhưng với pickleball, mỗi người gần như phải đứng đúng phần sân của mình, đặc biệt là khi lên gần khu vực bếp. Việc đứng lệch vị trí có thể để lộ khoảng trống và mất điểm rất nhanh. Chiến thuật trong pickleball không rối rắm, nhưng đòi hỏi cả hai người chơi phải “nhìn thấy cùng một trận đấu”.
Những kỹ năng mình thấy hữu ích khi chuyển từ cầu lông sang pickleball:
Phản xạ tay nhanh
Tư duy phối hợp mắt - tay
Khả năng đọc ý đồ đối thủ
Nhưng đồng thời cũng có những thứ cần học lại:
Cách dùng cơ thể để đánh bóng
Khả năng kiểm soát bóng thấp, nảy ít
Di chuyển tiết chế, giữ vị trí
Việc “đổi sân” từ cầu lông sang pickleball là một trải nghiệm đầy thú vị với mình. Có những lúc mình nghĩ “chơi cầu lông giỏi rồi, sang môn này chắc dễ” – nhưng thực tế là phải học lại từ đầu nhiều thứ. Song đổi lại, pickleball lại cho mình nhiều cảm giác mới mẻ, tinh tế và đặc biệt là dễ giao lưu với nhiều đối tượng khác nhau – từ bạn trẻ cho đến người lớn tuổi.
Tin Chuyên mục