Vụ phát tán ảnh chế của cô gái chơi pickleball: Cẩn thận bị truy cứu hình sự

Tác giả: Phạm Anh Tú | Ngày đăng: 18/10/2024
Chia sẻ:

Gần đây, vụ việc một cô gái chơi pickleball bị chỉnh sửa ảnh và phát tán dưới dạng ảnh chế "mặc thiếu vải" trên mạng xã hội đã gây ra nhiều tranh cãi. Sự việc không chỉ xâm phạm nghiêm trọng quyền riêng tư mà còn có nguy cơ bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Bức ảnh ban đầu không phản cảm như đã bị chỉnh sửa. Người đăng đã dùng phần mềm để thay đổi nội dung gốc, sau đó lan truyền rộng rãi trên các nền tảng mạng xã hội. Nạn nhân – cô gái trong bức ảnh – đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ, cho biết cô cảm thấy bức xúc và mệt mỏi khi phải liên tục nhắn tin yêu cầu các trang mạng gỡ bỏ hình ảnh sai sự thật này.

Đây không phải là lần đầu tiên sự việc tương tự xảy ra. Trước đó, sau cơn bão số 3 (bão Yagi), mạng xã hội cũng tràn ngập những bức ảnh trẻ em bị bùn đất phủ kín mặt, nhưng những hình ảnh này sau đó đã được xác định là sản phẩm của trí tuệ nhân tạo (AI), không phải thực tế.

Trước tình trạng này, nhiều người đã lên tiếng phản đối, yêu cầu các cá nhân ngừng lợi dụng những câu chuyện thương tâm hoặc nhạy cảm để câu like, câu view. Đồng thời, có những đề xuất xử phạt nghiêm khắc những người tạo và phát tán thông tin sai lệch.

Theo luật sư Ngô Quang Nhật (Công ty Luật Chính Nghĩa), việc ghi hình và phát tán nội dung khi chưa có sự đồng ý của người khác, hoặc xuyên tạc hình ảnh là vi phạm quyền cá nhân. Điều này được quy định rõ ràng trong Điều 32 và Điều 38 của Bộ luật Dân sự năm 2015, bảo vệ quyền cá nhân và quyền về đời sống riêng tư.

Luật sư cũng giải thích thêm rằng, theo quy định pháp luật, có hai trường hợp ngoại lệ cho phép ghi hình và sử dụng hình ảnh mà không cần sự đồng ý của người trong ảnh: Thứ nhất, khi hình ảnh phục vụ lợi ích quốc gia hoặc công cộng. Thứ hai, khi hình ảnh được ghi lại từ các sự kiện công cộng như hội thảo, thi đấu thể thao, biểu diễn nghệ thuật, miễn là không ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm của người trong ảnh.

Trong trường hợp của cô gái chơi pickleball, việc chỉnh sửa và phát tán ảnh không đúng sự thật đã vi phạm nghiêm trọng quyền cá nhân. Nạn nhân có thể yêu cầu chấm dứt hành vi vi phạm, công khai xin lỗi, cải chính thông tin sai lệch và đòi bồi thường thiệt hại. Nếu vụ việc gây hậu quả nghiêm trọng, người phát tán có thể bị xử phạt hành chính từ 10 - 20 triệu đồng, hoặc thậm chí bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 155 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Luật sư Nhật khuyến cáo mọi người không nên tùy tiện ghi hình, chụp ảnh hoặc phát tán nội dung liên quan đến người khác khi chưa có sự đồng ý, dù với bất kỳ lý do gì. Mọi công dân đều được bảo vệ về quyền cá nhân, không chỉ trong đời thực mà còn trên không gian mạng.

Trước khi đăng tải bất kỳ nội dung nào, hãy cân nhắc kỹ lưỡng xem hành động của mình có tuân thủ quy định pháp luật hay không. "Việc đăng tải sai lệch có thể gây hậu quả nghiêm trọng cho người khác, như trong trường hợp của cô gái chơi pickleball bị phát tán ảnh chế thiếu vải, không chỉ sai về lý mà còn không đúng về tình," luật sư Nhật khẳng định.

Nguồn: Báo Thanh Niên
Chia sẻ:
  • Chủ đề:
  • AI

Tin Chuyên mục